Đức Phật Dược Sư

Tiếng Phạn: Bhaisajyaguru

Tiếng Anh: Medicine Buddha

Đức Phật Dược Sư là ai? Phật Dược sư là vị Phật có khả năng thông suốt được hết tất thảy y dược trên thế gian và cả xuất thế gian. Tất thảy khổ bệnh của chúng sinh, hay cả những vọng tưởng do tham, sân, si và phiền não gây ra, Ngài đều có thể cứu chữa.

Tên gọi khác của Đức Phật Dược Sư: Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, Dược Sư Lưu Ly Như Lai,  Đại Y Vương Phật. Bởi Ngài có bản nguyện: “cứu tất cả bệnh khổ cho chúng sinh”, nên Ngài còn có tên là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật.

Cõi Tịnh Lưu Ly nằm ở phương Đông chính là Quốc độ của Ngài.

Đức Phật Dược Sư (Tranh Thangka)

Tên gọi “Phật Dược Sư” có ý nghĩa gì?

Dược sư chính là thầy thuốc, còn Lưu ly lại là một loại ngọc trong suốt có màu xanh. “Lưu ly quang” hay “ánh sáng của ngọc lưu ly”. Ngài là vị Phật có khả năng thông suốt được hết tất thảy y dược trên thế gian và cả xuất thế gian. Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật có thể giúp chúng sinh chữa được hết tất thảy mọi bệnh khổ, ngay cả những đảo điên vọng tưởng do tham, sân, si gây ra.

Ánh sáng của Phật Dược Sư hào quang khôn xiết: Trong ngoài đều sáng suốt, không chút vẩn đục, hoàn toàn tinh sạch; hào quang chiếu rọi muôn nơi. Hào quang ấy chiếu đến đâu, những tăm tối vô minh đều tan biến hết; mọi bệnh khổ thân tâm đều bị diệt trừ, từ đó hướng đến giác ngộ, giải thoát. 

Dược sư Kinh

Dược Sư Kinh có bốn truyền bản (theo Đại tạng kinh Đại chính tân tu):

1. Dược Sư Lưu Ly Quang thất Phật bản nguyện công đức kinh, do ngài Nghĩa Tịnh dịch vào năm 707 ( thứ ba niên hiệu Thần Long).

2. Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai bản nguyện công đức kinh, do ngài Huyền Trang dịch vào năm 650 (niên hiệu Vĩnh Huy nguyên niên).

3. Phật thuyết Dược Sư Như Lai bản nguyện kinh, do ngài Đạt-ma-cấp-đa dịch vào năm 615 (niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ 11 đời nhà Tùy).

4. Phật thuyết quán đỉnh Bạt trừ quá tội sinh tử đắc độ kinh, quyển thứ 12 thuộc bộ Quán đỉnh kinh do ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la dịch vào năm 317-420 vào thời Đông Tấn.

Kinh Dược Sư trong kinh tạng tiếng Việt, hiện có nhiều bản dịch. Những bản này được dịch từ bản Hán tạng (của ngài Huyền Trang), trong đó có một số bản như bản dịch của Hòa Thượng Thích Tuệ Nhuận, Hòa Thượng Thích Trí Quang, Hòa Thượng Thích Viên Thành… 

Dược Sư Như Lai có hạnh nguyện lớn lao

Ngài hộ trì cho chúng sinh tránh khỏi được những đớn đau về thể xác cũng như tâm hồn, giúp họ tránh khỏi những chướng ngại, hiểm nguy, và tiêu trừ tam độc: tham, sân, si. Ngài là một đấng giác ngộ – người có lòng bi mẫn vô lượng đối với hết thảy chúng sinh. Ngài chính là đấng Y vương Toàn giác.

Để cứu giúp hết thảy chúng sinh bị bệnh tật, nghèo đói, thân hình xấu xa… từ đó khiến họ có  được đầy đủ thiện căn và các thành tựu sở nguyện; Ngài đã phát ra 12 nguyện lớn khi còn đang hành đạo Bồ Tát.

1. Chiếu sáng mọi chúng sinh bởi ánh hào quang. 

2. Để chúng sinh biết tới Nhất thiết trí. 

3. Mọi sở nguyện của chúng sinh được thực hiện. 

4. Dẫn dắt chúng sinh trên đường đến với Đại thừa. 

5. Giúp mọi chúng sinh giữ được giới hạnh. 

6. Các thứ bệnh do sáu giác quan sinh ra đều được chữa.. 

7. Mọi chúng sinh đều được chữa những bệnh về thân tâm. 

8. Trong tái sinh, nữ giới có thể trở thành nam giới.

9. Dẫn đường cho chúng sinh tránh rơi vào tà kiến. 

10. Để chúng sinh được sinh vào cõi lành, tránh cõi ác.

11. Thức ăn được đem cho người đói khát. 

12. Áo quần được mang cho người rét.

7 hóa thân của Dược Sư Như Lai

Với  tâm đại bi vô lượng, Ngài đã hóa hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau để dẫn dắt chúng sinh đến bờ giác ngộ. Trong đó có bảy hình tướng đức Phật Dược Sư:

  1. Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai (Bhaisajyaguru) 
  2. Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như Lai (Abhiyaraja)
  3. Pháp Hải Lôi Âm Như Lai (Dharmakirtisagara)
  4. Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Vương Như Lai (Asokottamasriraja)
  5. Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai (Suvarnabhadradravimala)
  6. Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai (Svaragosaraja)
  7. Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương Như Lai (Suparikirti-tanamasriraja)

Dược Sư Phật thần chú

Thần chú Dược Sư ngoài năng lực chữa lành bệnh tự thân hành giả, còn có thể chữa bệnh cho người khác. Trong đó, khả năng tịnh hóa những ác nghiệp trong quá khứ là quan trọng hơn cả. Chính lẽ đó, Chú Dược Sư là một trong những câu thần chú được trì tụng nhiều nhất với công năng bất khả tư nghì mà nó đem lại.

Thần chú Dược Sư:

Tiếng Phạn:

OM Namo bhagawate Bhaishjaya guru vaidurya Prabha rajaya tathagataya arhate samyaksam buddhaya teyatha om bekhajye bekhajye maha bekhajye bekhajye rajaya samudgate svaha.

Tiếng Việt: 

Nam mô Bạc già phạt đế, bệ sái xã lũ rô, bệ lưu ly bát lạt bà, hát ra xà giã, đát đà yết đa gia, a ra hát đế, tam diểu tam bột, đà gia, đát điệt tha. Án, bệ sái thệ, bệ sái thệ, bệ sái xã, tam một yết đế sa ha. 

Nếu như ai đó có mong cầu điều gì thì nên nhất tâm để trì chú này, ắt sẽ được như ý nguyện, có thể sống lâu mà không bệnh tật. Những người ấy sẽ được sinh về cõi tịnh và được ngôi bất thoái chuyển cho đến khi thành Phật sau khi mạng chung. Chư Phật, Bồ Tát, các vị Hộ pháp, hay đại tướng Dược Xoa và quyến thuộc sẽ theo bảo vệ và ủng hộ những ai thường hay trì tụng Kinh này và danh hiệu của Ngài.

Thường xuyên trì tụng Kinh của Ngài, chúng sinh có thể thoát khỏi tất cả khổ nạn và đạt được mong cầu của mình. Con người chúng ta sống ở một thế giới đầy rẫy sự bất công chính bởi vô minh đã che khuất đi, tam độc tham sân si khiến những xung đột, tranh chấp giữa các quốc gia ngày càng nhiều hơn, hạn hán thiên tai như sóng thần, động đất, dịch bệnh, đói nghèo luôn hiện hữu và ngày càng trở nên phức tạp…

Do bởi tâm thức chúng sinh cang cường khó giáo hóa ngày càng trở nên bướng bỉnh, khó điều phục. Tâm con người thường chìm đắm trong thế giới của sự thụ hưởng và dục lạc khiến mà bất an, quên mất tự tính trong sáng của bản ngã. Chúng ta có thể lầm tưởng rằng đã hiểu và làm chủ được tất cả những gì xung quanh ta, nhưng chính mặt trái của nó khiến chúng ta rơi vào sự bế tắc và tuyệt vọng. Dù công nghệ hiện đại ngày càng phát triển, mỗi năm vẫn có hàng triệu người chết bởi động đất, sóng thần, hạn hán, dịch bệnh…

Ngày càng có những căn bệnh mới lạ mà khó tìm được nguyên nhân và phương thuốc chữa trị với y học ngày nay… Dược Sư Như Lai với lòng vị tha vô lượng và tâm từ bi, Người muốn làm lợi lạc cho chúng sinh bằng mọi phương tiện để có được thành tựu. Ngài nguyện cho những ai biết đến và thường tôn xưng danh hiệu của Ngài có được một điểm tựa tinh thần vững chắc và đó cũng là con đường đến với an lạc, chấm dứt mọi khổ đau.

Chúng ta sẽ có năng lực mãnh liệt, tâm sẽ được tịnh hóa khi ta cầu nguyện danh đức của Ngài Phật Dược Sư, vì vậy hãy hành trì cầu nguyện Ngài mỗi ngày để hoàn thành sở nguyện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *